HƯỚNG NGHIỆP CHO CON (P1) – xây dựng chương trình giáo dục hướng nghiệp
Hướng nghiệp là một nội dung giáo dục quan trọng của trường học và bắt đầu được ứng dụng vào xã hội từ khoảng những năm 1943 khi Frank Parson đưa ra lý thuyết hướng nghiệp đầu tiên mang tên Choosing vocation. Sau đó, lần lượt các học thuyết khoa học về hướng nghiệp đã được ra đời, giúp đẩy mạnh quá trình giáo dục hướng nghiệp cũng như củng cố cho hiệu quả của công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường học cũng như ngoài xã hội. Các học thuyết hướng nghiệp tiêu biểu gồm: học thuyết đặc tính cá nhân – đặc điểm nghề của Holland, lý thuyết mô hình phát triển nghề nghiệp theo các giai đoạn cuộc đời của Super, lý thuyết ngẫu nhiên có kế họach của John Krumboltz, Lý thuyết hệ thống (Patton & McMahon)
Bên cạnh việc nghiên cứu và được đào tạo về kiến thức, kỹ năng tư vấn hướng nghiệp, mình cũng có kinh nghiệm thực tế về giáo dục hướng nghiệp bởi mình vừa là một người làm tuyển dụng đào tạo, một người làm quản lý nhân sự đồng thời cũng là một người tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, người lớn.
Với cả những kiến thức và thực tế đã làm về hướng nghiệp, tuyển dụng, đào tạo, nhân sự, năm 2018 mình quyết định chia sẻ những bài viết về nội dung Hướng nghiệp. Đây là những kiến thức mà theo mình hữu ích cho phụ huynh trong quá trình định hướng nghề nghiệp cho con cũng như hữu ích cho cả những người đang băn khoăn về con đường phát triển nghề nghiệp của mình.
1. Để thành công trong công việc con người cần có những yếu tố nào?
Thực tế để thành công, mỗi người sẽ có những đúc kết của riêng mình về những yếu tố để thành công trên con đường phát triển sự nghiệp như: tài năng, sự may mắn, sự hậu thuẫn của gia đình, các mối quan hệ…. Sau khi đã nghiên cứu rất nhiều người thành công, lý thuyết hướng nghiệp đã chỉ rõ, để thành công trong nghề nghiệp con người cần có 3 yếu tố: Kỹ năng thiết yếu, Kỹ năng nghề nghiệp, Mạng lưới quan hệ.
Trong đó, thông thường các kỹ năng thiết yếu được xây dựng từ bậc tiểu học, kỹ năng nghề nghiệp được xây dựng từ bậc THPT và mạng lưới quan hệ được xây dựng khoảng từ bậc THCS. Đây là lộ trình thông thường nhưng cũng còn nhiều học sinh với các điều kiện gia đình khác biệt có thể xây dựng các yếu tố này ở những gia đoạn rất khác nhau.
Với mỗi một giai đoạn lịch sử, tương ứng với các cuộc cách mạng công nghiệp khác nhau thì đòi hỏi về kỹ năng thiết yếu, kỹ năng nghề, mạng lưới quan hệ là rất khác nhau. Do đó, nội dung chi tiết của 3 yếu tố quyết định thành công trong công việc cũng thay đổi theo thời gian và ko cố định. Nên giáo dục nói chung và giáo dục hướng nghiệp nói riêng cũng đòi hỏi phải thay đổi theo để phù hợp với thời đại, với yêu cầu của nền kinh tế.
Trong thời đại hiện nay, đặc biệt dưới sự tác động của cuộc cách mạng 4.0, xã hội và nền kinh tế cần người lao động với các yếu tố Kỹ năng thiết yếu, Kỹ năng nghề nghiệp, Mạng lưới quan hệ như sau:
a. Kỹ năng thiết yếu: Nhóm kỹ năng thiết yếu được chia làm 4 nhóm kỹ năng nhỏ và phải được đưa vào chương trình giáo dục cho học sinh từ cấp tiểu học thông qua các môn học cụ thể như: Toán, văn, Khoa học, xã hội, thể dục, âm nhạc, mỹ thuật… 4 nhóm kỹ năng nhỏ đó như sau:
– Kỹ năng tư duy phản biện gồm: khả năng tìm kiếm thông tin, năng lực khám phá, khả năng diễn giải phân tích, tìm kiếm và xây dựng luận cứ, khả năng lý luận, năng lực giải quyết vấn đề, tư duy hệ thống
– Năng lực hợp tác gồm: năng lực lãnh đạo và sáng tạo, khả năng cộng tác, xử lý vấn đề linh hoạt, tính trách nhiệm và khả năng nâng cao năng suất, công tác sử dụng truyền thông số, phản hồi mang tính xây dựng
– Năng lực giao tiếp gồm: năng lực lắng nghe, khả năng thuyết trình, giao tiếp trực tiếp, giao tiếp gián tiếp thông qua các phương tiện số, giao tiếp trong nhiều môi trường đa dạng, năng lực tranh biện và thảo luận nhóm.
– Kỹ năng sáng tạo gồm: năng lực sáng tạo, năng lực thiết kế và sàng lọc ý thưởng, cởi mở và dám khám phá, làm việc sáng tạo, sản phẩm sáng tạo và đổi mới.
b. Kỹ năng nghề nghiệp gồm nói chung bao gồm:
B1.Nhận thức bản thân
Năng lực 1: Xây dựng được kiến thức về bản thân trong bốn lĩnh vực: sở thích, khả năng, cá tính, giá trị nghề nghiệp, và dùng kiến thức này cho việc hướng nghiệp suốt đời.
Năng lực 2: Tìm hiểu được hoàn cảnh của mình trong bối cảnh gia đình, cộng đồng, Việt Nam và thế giới, và dùng kiến thức này cho việc hướng nghiệp suốt đời.
Năng lực 3: Xác nhận được mong muốn, ước mơ, hy vọng, mục tiêu đời mình, và dùng kiến thức này cho việc hướng nghiệp suốt đời.
B2: Nhận thức nghề nghiệp
Năng lực 4: Xây dựng kiến thức về các ngành học, các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) và trường nghề ở trong và ngoài nước, và dùng kiến thức này cho quyết định chọn ngành học, trường học sau khi học xong lớp 9, lớp 12.
Năng lực 5: Xây dựng kiến thức về nghề, các cơ quan, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước, và dùng kiến thức này cho quyết định chọn nghề và nơi làm việc (công ty, cơ quan, nhà máy, v.v…) trong tương lai.
Năng lực 6: Đánh giá được vai trò của thông tin cũng như sử dụng được ảnh hưởng của thông tin đối với việc quyết định nghề nghiệp (chọn ngành học, trường học, loại công việc và nơi làm việc) của mình.
B3: Xây dựng kế hoạch nghề nghiệp
Năng lực 7: Xác định mục tiêu nghề nghiệp.
Năng lực 8 Hoạt động ngoại khóa và tham gia phục vụ cộng đồng để tạo thêm cơ hội nghề nghiệp.
Năng lực 9 Lập kế hoạch và từng bước thực hiện kế hoạch nghề nghiệp nhằm nâng cao Kỹ năng và kiến thức chuyên môn phù hợp với ngành nghề mà mình muốn làm như bác sỹ, kỹ sư, giáo viên, phóng viên….
c. Mạng lưới quan hệ là mối quan hệ của mỗi cá nhân với các thành viên trong cộng đồng kể cả trong và ngoài lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp của bản thân.
Sự may mắn trong sự nghiệp mà những người thành công hay nói đến chính là kết quả của những mối quan hệ chân thành đã được xây dựng từ trước đó rất lâu, ví dụ như: khi cần chuyển việc tới một công ty tốt hơn thì bố của đứa bạn học từ cấp 3 giới thiệu bởi thời đi học mình đã giúp đỡ con của bác nhiều lần trong học tập, hay khi cần tìm một nhà cung cấp dịch vụ tổ chức sự kiện cho công ty thì một người bạn cũ từ thời đại học lại đang làm cho một công ty tổ chức sự kiện.
Các mối quan hệ chân thành mà trong đó mỗi người thể hiện được năng lực, kiến thức, phẩm chất của bản thân một cách tự nhiên nhất sẽ luôn là chìa khóa quan trọng nâng đỡ cho quá trình phát triển sự nghiệp. Cơ hội công việc tốt nhất thường đến với những người được coi là chân thành, trung thực, nỗ lực làm việc và có năng lực làm việc tốt.
Do đó, dù là học sinh cấp 1, cấp 2 hay cấp 3, đai học thì phụ huynh, giáo viên, nhà trường cần giành cho học sinh, sinh viên tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để học sinh, sinh viên có thời gian tạo lập các mối quan hệ cá nhân nhằm phát triển sự nghiệp sau này.
Việc luôn tập trung vào học tập quá mức, cả ngày đi học, tối học bài, cuối tuần đi học thêm các loại ngoại khóa đã tước đi thời gian rèn luyện kỹ năng xây dựng và duy trì các mối quan hệ bạn bè, một trong 3 yếu tố quan trọng giúp một người thành công trong công việc.
2. Lộ trình hướng nghiệp cho con bắt đầu từ khi nào?
Dựa trên 3 nhóm kỹ năng để thành công trong sự nghiệp là kỹ năng thiết yếu, kỹ năng nghề nghiệp, mạng lưới quan hệ cũng như các nghiên cứu về quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ thì Việc đan xen giáo dục hướng nghiệp vào chương trình giáo dục học sinh được thực hiện từ cấp tiểu học. Ở cấp tiểu học học sinh cần trải nghiệm nhiều lĩnh vực nghề nghiệp và rèn luyện các kỹ năng thiết yếu, rèn luyện thể lực trước khi bước vào cấp THCS. Tại cấp THCS, học sinh đã dần định hình được kỹ năng nào, kiến thức môn học nào là thiên hướng của bản thân và từ đó tập trung học ở cấp độ nâng cao hơn với các môn học ưa thích hoặc thể hiện có năng khiếu đồng thời vẫn tiếp tục rèn luyện và phát triển các kỹ năng thiết yếu. Từ lớp 9 đến lớp 12, ngoài việc tiếp tục rèn luyện kỹ năng thiết yếu, học tập các kiến thức thông qua các môn học cấp trung học phổ thông thì nhà trường bắt đầu đưa các nội dung giáo dục kỹ năng nghề nghiệp vào chương trình dạy học.
Chi tiết lộ trình giáo dục có kèm chương trình giáo dục hướng nghiệp thông thường sẽ như bên dưới, tuy nhiên lộ trình này hoàn toàn có thể thay đổi dựa trên đặc điểm văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của các địa bàn khác nhau cũng như mục tiêu của từng gia đình. Tuy nhiên, dù chương trình giáo dục có khác biệt đến đâu cũng ko thể đi ngược lại quá trình phát triển tâm sinh lý của học sinh, xu thế chung của thời đại.
1. Tiểu học:
• Rèn luyện kỹ năng thiết yếu
• Dã ngoại, picnic, quan sát nhiều nghề, đến tham quan nhiều nghề, từ thiện.
• Học tập nhiều chương trình và nhiệm vụ khác nhau để có thêm trải nghiệm và kỹ năng: Mc, tranh biện, STEM, vẽ, hát, múa, nhảy, nhạc cụ
• Kỹ năng tự phục vụ
• Tập trung vào ngoại ngữ
• Rèn luyện thể thao
2. THCS
• Học chuyên tâm, nâng cao vào 1-3 môn học yêu thích
• Học Kỹ năng CNTT và 4C
• Ngoại khóa với vai trò leader, organizer: camp, tình nguyện, từ thiện
• Củng cố tiếng Anh
• Vấn rèn lyện thể thao
• Làm thêm việc nhỏ, quản lý tài chính cá nhân
3. THPT
• Tiếp tục rèn luyện kỹ năng thiết yếu
• Tham gia học về hướng nghiệp để:
• Hiểu bản thân
• Hiểu công việc, tìm kiếm nhóm bạn bè, người cùng nghề, xin đi thực tập
• Lập kế hoạch nghê nghiệp
• Tập kinh doanh
Bắt đầu từ lớp 9, khi học sinh được chính thức tham gia vào nội dung giáo dục hướng nghiệp bài bản, các con cần ra được các quyết định nghề nghiệp như sau
LỚP 9: HS chọn được ban học và hướng học ở cấp học, bậc học cao hơn hay chọn học nghề
LỚP 10: HS tìm hiểu sâu hơn sở thích và khả năng nghề nghiệp của bản thân
LỚP 11: HS tìm hiểu thông tin tuyển sinh và thông tin học nghề ở bậc học cao hơn
LỚP 12: HS chọn ngành học ở bậc học cao hơn hoặc học nghề
Lưu ý: nếu trong giai đoạn Tiểu học con chưa được trải nghiệm nhiều các lĩnh vực, kiến thức, kỹ năng khác nhau trên thực tế qua việc trực tiếp mắt thấy, tai nghe, không được tự do khám phá và cấp THCS ko có thời gian tập trung học nâng cao và tìm hiểu những lĩnh vực, kiến thức, kỹ năng mà bản thân thích hoặc có năng khiếu thì học sinh không có chất liệu để tự tìm hiểu về bản thân, và từ đó dù có hiểu về nghề nghiệp các con cũng khó có thể ra các quyết định lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn và phù hợp ở cấp THPT.
Tình trạng học sinh lớp 12 hiện nay khó khăn khi ra các quyết định chọn ngành nghề thông thường do những nguyên nhân sau:
– Học tập lý thuyết quá nhiều tại trường và các lớp học thêm, luôn phải làm việc dựa theo mong muốn và kỳ vọng của người lớn do đó không có thời gian để trải nghiệm thực tế cũng như không biết bản thân muốn làm gì trong tương lai.
– Thiếu các kỹ năng nghề nghiệp và các thông tin về ngành nghề đào tạo cũng như tình hình thực tế các ngành nghề, xu hướng phát triển của xã hội
– Năng lực thiết yếu và năng lực nghề yếu do đó có một khoảng cách lớn giữa đòi hỏi của công việc và năng lực đáp ứng của học sinh
– Mâu thuẫn giữa mong muốn của bản thân và mong muốn của những người thân trong gia đình mà đặc biệt là bố/mẹ trong qua trình lựa chọn nghề nghiệp.
NHỮNG LƯU Ý CHO PHỤ HUYNH KHI TỰ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP CHO CON:
– Với thực trạng của hệ thống giáo dục như hiện nay, việc có thể rèn luyện các kỹ năng thiết yếu phù hợp với thời đại mới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 khó có thể trông chờ vào nhà trường do phương pháp, kiến thức, nội dung giáo dục quá lỗi thời, lạc hậu và chậm thay đổi. Do đó, phụ huynh phải tự mình ý thức được đòi hỏi mới của xã hội để tự xây dựng chương trình giáo dục cho bản thân con mình. Cần có một kế hoạch giáo dục chi tiết cho từng năm, từng tháng, từng ngày để hỗ trợ con rèn luyện những kỹ năng thiết yếu, kỹ năng nghề, giúp con củng cố kỹ năng tạo lập và duy trì các mối quan hệ.
– Luôn phải nhớ nghề nghiệp thay đổi theo cuộc đời, thời thế, nghề hot hôm nay sau 4 năm nữa có thể lại rơi vào thoái trào.
– Nghề nghiệp ko cố định, học tập đại học chỉ là học các năng lực thiết yếu đến khi làm việc lại tiếp tục học tiếp, quan trọng là tiềm năng và đặc điểm con người phù hợp với nghề, trước 35 tuổi ko bao giờ là muộn
– Chỉ học ở trường ko bao giờ là đủ, phải tìm hiểu thêm bạn bè, hội cựu học sinh, sinh viên, người thân, đồng nghiệp, tham gia thêm các chương trình ngoại khóa, thiện nguyện, tình nguyện
– Các mối quan hệ chân thành hỗ trợ được các con trong tương lai – muốn có phải qua giao tiếp, tiếp xúc trực tiếp người với người (đặt quan hệ mang tính trọng tâm – nghề nghiệp muốn hướng tới)
CÒN TIẾP PHẦN 2
English Thinking Club
Nhà BT1-E9,
Khu ĐTM Trung Văn,
Quận Từ Liêm, Hà Nội
ĐT: 0936301636
Hotline: 0914581828
englishandthinkinghome@gmail.com
Chúng tôi giáo dục, đào tạo công dân việt nam có năng lực hội nhập toàn cầu.
Do đó, chúng tôi giúp các bạn trẻ hoàn thiện ngôn ngữ, làm chủ tư duy thông qua hệ thống chương trình giáo dục của mình.