GIÁO DỤC CON TỪ GÓC NHÌN CUỘC SỐNG
Mấy ngày hôm nay mình cứ như bị thôi thúc phải viết ra những kinh nghiệm cuộc sống và mỗi liên hệ với giáo dục con.
Vài ngày qua, mình đều gặp các anh chị họ hàng, còn các cô chú ở ngoại thành khi cho con về quê chơi. Mọi người cũng biết mình làm tuyển dụng và mình hay có việc để giới thiệu cho mọi người. Mọi người đều hỏi mình “Em có việc gì tốt cho con anh/chị/cô/chú không? Nó làm ở chỗ đó bấp bênh, lương thấp mà vất vả quá”
Hoặc mọi người còn đề nghị mình “cháu có công việc nào nhàn nhàn mà lương cao không, cô/chú sẵn sàng chi vài trăm xin cho em vào đó?’
Trong tâm lý đi xin việc của mấy đứa em, đứa cháu ở quê mình đều mong muốn tìm được công việc nào nhàn mà lương cao và khi chúng đã xin được việc thì cũng ko dám bỏ vì mất vài trăm triệu để chạy rồi, giờ không dám bỏ.
Mình hay vừa cười vừa nói với các bác: Bác ơi, xã hội giờ khác lắm rồi, thời buổi này muốn kiếm miếng ăn đã khó, muốn sống sung túc lại càng khó hơn, làm gì có cái công việc gì vừa nhàn vừa lương cao.
Mình còn thầm nghĩ “Có mà đi buôn thuốc phiện và làm cave cũng không nhàn và lương cũng không cao”
Thời buổi này, dân số Việt nam hồi mình học lớp 6 lớp 7, là trên 70 triệu người, mình đã nghĩ sao đông nhỉ, vậy mà giờ đã là hơn 90 triệu người, gần 1 tỷ dân rồi. Đất thì chỉ có ngần ấy, tài nguyên thì phá ra ăn dần trong hơn 10 năm qua cũng cạn kha khá rồi. Ở năm 2017, không có sức cạnh tranh, không biết làm việc hiệu quả năng suất, không biết vượt qua khó khăn nỗ lực làm việc thì lấy cái gì mà đổ vào mồm. Muốn kiếm được tiền đủ sống có chút tiết kiệm cũng phải lao lực vất vả lắm chứ chưa nói đến muốn giàu có. Người muốn có của ăn của để phải làm gấp nhiều lần người có thu nhập đủ sống.
Mình sinh con ra, 2 đứa con trai, giây phút vui vẻ và hạnh phúc nhất của mình chính là “hầu hai ông con trai”. Hầu 2 ông ấy đi chơi, hầu nấu bữa cơm ngon ngọt cho con, khi con ốm đau thì đi khám, thì thuốc thang và nói chung là làm tất cả cho 2 chàng. Mà không hiểu vì sao, nhìn chúng sung sướng khi ăn món mẹ làm, khi mẹ chăm em như 2 em bé mẹ thấy vui. (không biết các mẹ có như em không).
Nhưng nhìn lại xã hội khắc nghiệt lắm, em nhìn quanh mấy đứa em ở ven đô Hà nội, thậm chí ở mảnh đất Hà Tĩnh quê chồng, bọn nhỏ giờ chỉ việc học, mọi việc có bố mẹ lo, lớn lên chúng: sức khỏe yếu, kỹ năng không tốt, học lệch, đi xin việc cũng rất khó khăn và chật vật, nói thật là để có một cuộc sống sung túc với chúng là rất khó.
Em cũng muốn 2 thằng nhỏ con em chơi thật nhiều, học thật ít, và sống thật vui, không áp lực học hành lắm, nhưng nhìn cuộc sống này, rồi 10 năn nữa dân số Việt Nam hơn tỷ bạc, tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, em sẽ ko thể đủ sức để mà bảo vệ và bao bọc con em nữa. Con em lúc này phải có sức cạnh tranh mới trụ được các mẹ ah. Mà em cũng chẳng hướng con em đi du học, 10 năm nữa các nước Mỹ, Anh, Nhật… nhập cư chắc là cũng khó lắm, con em cũng chả đủ giỏi để mà có thể ở lại.
Với quan điểm như thế, em dạy con em:
1. Yêu nước, yêu gia đình, yêu những thứ xung quanh: đằng nào con em cũng sống ở Việt Nam, có những thứ nó phải đối mặt, nó ko thể vì thế mà ghét đất nước hay gia đình mình. Em không bao giờ dám hở ra chê chế độ hay nói xấu ai trước mặt con. Bởi em ko muốn em là người tước đi quyền được sống hạnh phúc của con em. Khổ sở nhất là một đứa trẻ phải lớn lên trong sự căm ghét nơi mà mình sinh ra, căm ghét đất nước mà mình đang sống. Tuy nhiên, em hay phân tích với con cần làm gì trước những tình huống mà con không thể tránh khỏi. Dạy con vượt qua khó khăn. Em đã làm không biết bao nhiêu lần: con bị đánh hồi học trường công, con bị trộm đồ, con bị trấn đồ khi đi học về, con được cô mời đi học thêm khi con và gia đình không muốn, con bị giao nhiều bài tập về nhà, nhà vệ sinh của trường con rất bẩn, con bị đau bụng khi ăn cơm trường…. mọi tình huống em đều dạy con phải làm thế nào mà kiên cường đứng dậy, vẻ mặt vẫn vui tươi và hạnh phúc. Em cũng dạy con biết từ chối những thứ mình ko thích, em hay kể các câu chuyện cảnh báo về việc trẻ bị ép hút, trích, lạm dụng, bắt cóc cho con để con định hình ra những biểu hiện và dấu hiệu của sự nguy hiểm và phải trao đổi với bố mẹ ngay khi có dấu hiệu nguy hiểm.
2. Yêu lao động: ở nhà em con em phải làm việc nhà rất nhiều, phải tự kiếm tiền để tiêu chứ bố mẹ ko cho tiền bừa bãi. Con em có rất nhiều việc kiếm ra tiền
Chăm con thì rất tốt, cảm giác chăm sóc cho con là cảm giác hạnh phúc nhất của một người mẹ nhưng mà em lại phải gạt ra 1 bên. Ngày nào em cũng phải dặn bà và bác ở nhà là phải cho cháu làm việc.
Hiện Sóc 7 tuổi phụ trách đổ rác và gập quần áo, anh Nhím 10 tuổi phụ trách cắm cơm, các món luộc, giặt quần áo. Việc cá nhân như tắm rửa và làm việc cá nhân, dọn dẹp nhà cửa con đều phải làm. Khi được giao việc con ko bao giờ được chống đôi kiểu như sau con phải làm hoặc sao mẹ ko làm.
Khi làm việc nhà, và làm việc, tự dưng bọn trẻ nhà em nó giỏi xoay xỏa hẳn lên, biết là trời mưa thì phải sấy quần áo, biết là hết gia vị thì đi mua, biết xoay xỏa để xử lý các vấn đề khó khác. Cuộc sống hạnh phúc chính là giỏi xoay xỏa khi khó khăn, và con chỉ học được qua lao động thôi các bố mẹ ah.
3. Biết cách quan tâm và chăm sóc người khác: Mỗi lần em ốm hay là bà, bố ốm em đều yêu cầu các con phải chăm sóc mọi người, pha nước cam, rót nước, đắp khăn, bê nấu cháo, hỏi han mẹ khỏe không, mấy phút phải sang xem mẹ, bà, bố ốm cần gì. Nhiều mẹ cứ nói là: “con chị chả biết quan tâm đến bố mẹ, ông bà, khi ốm đau nó chẳng biết hỏi thăm”. Em quan điểm rất rõ ràng, đứa trẻ nó ko thể biết quan tâm đâu, nó chỉ biết chơi và thỏa mãn nhu cầu của nó thôi. Muốn nó quan tâm thì mình phải dạy nó quan tâm. Ngày nào em cũng ôm ấp các con, đến giờ 12 năm rồi, mà kể cả bố nó cũng thế, ôm là biểu hiện thể hiện sự gắn kết mà mọi người ruột thịt phải biết làm với nhau, giờ chúng nó lớn, em đi làm về mà ko ôm là chúng nó hỏi”mẹ ôm con đi” rồi chúng nó mới đi ngủ. Chúng nó ốm đau mẹ, bà, bố chăm, em, bà, bố ốm mà chúng nó ko biết hỏi thăm là bị em nói ngay: “con ốm mọi người chăm thế mà mọi người ốm con ko quan tâm ah, con phải: 10 phút vào hỏi người ốm cần gì, phải biết pha nước cam nước chanh, phải biết đắp khăn, phải biết hỏi xem người ốm cần gì, phải biết ép người ốm ăn vì họ thường ko ăn đâu, phải ép, con phải biết đi mua cháo nếu con ko biết nấu”
Thế đấy các bố/mẹ ah, dạy con yêu thương nhiều khi cũng phải dặn dò chúng nó. Đến lần thứ 3 bị mắng thế là lần thứ 4 con em nó biết hỏi han, quan tâm. Tuy bụng nó muốn đi chơi nhưng ít nhất nó cũng biết làm cho mình ấm lòng.
Yêu thương cũng phải dạy, chả có yêu thương nào ko phải dạy cả.
4. Biết tự học và vượt qua khó khăn: Ở đây em nhấn mạnh đến khả năng tự học chứ ko phải là khả năng giải các bài tập khó nhé các mẹ.
Nhiều lần trong suốt 4 năm qua, con xin đi học thêm. Khổ cái là thằng con em nó rất thích học. Nhưng em lại không cho nó đi các bố/mẹ ah, mà em lại càng không bao giờ cho nó đi học thêm cô giáo nó ở trường. Em sợ nó giống em hồi nhỏ, lại phải biết trước dạng bài kiểm tra mặc dù không muốn. Đến khi bị lệ thuộc rồi, không đủ vững vàng trong các kỳ thi chuẩn quốc gia hay quốc tế nữa.
Em bắt nó ở nhà tự đọc sách, tự làm bài. Bắt 2 thằng ở nhà học thói quen tự học, em cứ vứt cho 1 đống sách em bảo: làm đi, mỗi ngày 2 trang, từ điển đây. Khó thì có thể hỏi mẹ, nhưng ít thôi.
Đa phần là 2 đứa ít hỏi, tự làm, em chỉ kiểm soát kết quả bài tập thôi.
Vài lần 2 thằng cố ý mải chơi quên bài, hoặc cũng vô ý mải chơi quên bài. Em là cứ phạt thôi, 2 lần thì xanh mắt và sau đó thì đâu vào đấy.
Bí quyết kỷ luật con trai, em đã chia sẻ với các bố/mẹ ở những bải viết trước rồi. Hình phạt cao nhất của nhà em là cho nghỉ học và đi rửa bát, chúng nó sợ lắm khi bị mẹ cho nghỉ học đi rửa bát ở quán phở, mà em ko dọa, em làm thật. Cái tính cứ lừ lừ như tàu điện của em làm cho 2 thằng nhà em sợ hơn gặp ma.
Với em tự đọc, tự đúc rút kiến thức, tự suy nghĩ là rất quan trọng trong những năm đầu đời, do đó, tự học thì kết quả ko cao, khó làm được bài khó nhưng em vẫn kiên quyết cho con tự học ở nhà. Mãi đến khi Nhím lên lớp 5, khi con đã chứng minh được mình có năng lực tự học, xin được đi học thêm em mới cho đi học.
Đây là một bài viết từ góc nhìn cuộc sống, của một người đã vật lộn nhiều năm. Cách viết hơi khắc nghiệt, mong các bố/mẹ đọc rồi đừng có làm theo, chắt lọc cái gì dùng được thôi nhé.
English Thinking Club
Nhà BT1-E9,
Khu ĐTM Trung Văn,
Quận Từ Liêm, Hà Nội
ĐT: 0936301636
Hotline: 0914581828
englishandthinkinghome@gmail.com
Chúng tôi giáo dục, đào tạo công dân việt nam có năng lực hội nhập toàn cầu.
Do đó, chúng tôi giúp các bạn trẻ hoàn thiện ngôn ngữ, làm chủ tư duy thông qua hệ thống chương trình giáo dục của mình.