#DAYCONQUANLYCAMXUC
BỐ TRÍ GIỜ HỌC TẬP VÀ SINH HOẠT HIỆU QUẢ TRONG SEMI – HOMESCHOOL VÀ DẠY CON ĐỐI PHÓ VỚI CĂNG THẲNG – TRẦM CẢM
Ngày 1 tháng 4, nhiều phụ huynh đọc được tin dữ về một cậu bé trường Ams nhảy lầu tự tử bởi vì không chịu nổi áp lực học tập. Phụ huynh, học sinh cả nước bàng hoàng, đau xót cho một cậu bé học trường chuyên nhưng lại bạc mệnh. Lúc này mình thấy có một bộ phận phụ huynh mới comment: thôi bỏ hết học hành đi, cho con đi chơi thôi. Liệu việc bỏ hết và không coi trọng việc học nữa có thực sự là tốt cho các con hay ko?
Thực ra trong quá trình làm cố vấn trường học tại một trường song ngữ suốt 5 năm trời, mình cũng đã gặp gỡ nhiều trường hợp học sinh như vậy. Có trường hợp nhìn cô bé vui tươi, mới chuyển trường đến, gia đình giàu có, bố mẹ rất quan tâm, cũng ko ép uống gì cô bé học, nhưng cũng ko ai ngoài mẹ biết cô bé thường xuyên lấy dao lam rạch tay làm đau bản thân. Bé chuyển trường đến 2 tháng thì trong một lần mình chia sẻ về An toàn cảm xúc, bé đó đã thành thật chia sẻ với mình về việc thường xuyên nghĩ đến cái chết.
Cũng có trường hợp học sinh không muốn chết, nhưng những tổn thương do bố ngoại tình, mẹ có người mới đã dẫn dắt con từ một học trò ngoan, trở thành 1 học trò thích đi đêm, lên sàn, lên bar, dùng các chất kích thích. Nhìn bên ngoài, ở trên lớp cậu bé đó cực kỳ lễ độ, ngoan ngoãn,nghe lời, nói năng cực kỳ khéo léo. Con cũng tâm sự sau những giờ chia sẻ của mình về An toàn cảm xúc.
Rồi một bạn con nhà doanh nghiệp, đôi mắt ngân ngấn nước, nói với mình, thực ra con khổ sở lắm cô ạ, bố mẹ con cứ bắt con học kinh doanh, về thừa kế công ty gia đình, nhưng con không muốn. Từ bé, bố mẹ luôn bắt con phải làm theo ý bố mẹ, giờ con sắp lên đại học mà con mất phương hướng quá. Đây cũng là cậu bé được coi là một chú bé tài năng của lớp học, lúc nào cũng đứng đầu lớp, luôn giúp đỡ thầy cô, là một lớp trưởng nghiêm túc, trách nhiệm.
Vô vàn các trường hợp học sinh mà mình được lắng nghe tâm sự trong các giờ cố vấn. Thế mới hiểu là học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông có những nỗi khổ niềm đau mà bố mẹ không hề biết. Niềm đau đó có thể do chính bạn bè, thầy cô, bố mẹ vô tình đặt lên đứa trẻ.
Cũng rất may mắn, vì ở vị trí cố vấn trường học, nên 8 năm trước, khi con còn bé xíu, mình đã được học các khóa học học về An toàn cảm xúc, khóa học về kỹ năng sống hạnh phúc, các khóa học về phát triển kỹ năng xã hội. Người được lợi khi tham gia các khóa học này chính là mình sau đó là các con mình. Con đường homeschool mà mình theo đuổi là việc giáo dục tôn trong chu kỳ phát triển tâm sinh lý của trẻ nên ngoài những chương trình quốc tế mà mình đang dùng để cho con học thì mình luôn gắn liền việc học với việc đưa con ra ngoài cuộc sống, cho con đi trải nghiệm, cho con tham gia các hoạt động phát triển thể chất thật nhiều và thông qua chính cách mình ứng xử và đối diện với cuộc sống để dạy con thực hành các cách sống hạnh phúc. Cuộc sống luôn có áp lực, ko nên nuôi con theo kiểu bao bọc, ko phải nỗ lực hay cố gắng, mà mình luôn dạy con đối mặt và chịu được áp lực. Mình cũng được dạy, được trải nghiệm rằng những người được chăm sóc cảm xúc tốt, được rèn luyện thể chất tốt và được hướng dẫn các kỹ năng hạnh phúc sẽ luôn có năng lượng và dễ dàng vượt qua các áp lực cuộc sống, dù họ làm nhiều mà ko mệt. Đó cũng chính là cách mình dạy con: dạy con làm nhiều thứ nhưng tạo năng lượng cho con để con ko mệt mỏi và trầm cảm.Nhiều cha mẹ gọi hỏi mình tư vấn muốn nhờ mình hướng dẫn cách tổ chức cho con semi homeschool. Tuy nhiên, khi mình hỏi thì cha mẹ lại nói rằng hiện cha mẹ thấy chương trình trên lớp con học cũng chưa tốt, con cũng chưa được mẹ sắp xếp chơi thể thao, chưa được ra ngoài trải nghiệm nhiều, việc nhà mẹ cũng chưa hướng dẫn được con làm. Mình cũng chỉ lắc đầu và trao đổi với phụ huynh là thực sự đứa trẻ cần được phát triển thể chất, kỹ năng nhiều hơn chỉ là học 1 chương trình học thuật bằng tiếng Anh. Nếu ko thể sắp xếp được thời gian chơi, nghỉ ngơi, đi trải nghiệm thì ko nên cố gắng học Homeschool làm gì cả.
Còn đây là bố trí giờ học của gia đình mình để các bố/mẹ tham khảo lịch semi homeschool nhà mình:
1. NGÀY THƯỜNG TỪ THỨ 2-6
Sáng 6h30-7h00: thức dậy với 1 bài thiền ca để cả ngày luôn tích cực và vui vẻ, ăn sáng tại nhà. Để ko bị vội buổi sáng và để con ngủ thêm 1 chút, nhà mình chuẩn bị sách vở trong cặp và đồng phục ngay ngắn trên đầu giường, dậy là thay đồ ngay. Ăn sáng tầm 20p với đồ ăn: ngũ cốc sữa tươi, cơm rang trứng, mỳ nấu thịt, caramen hoa quả sữa chua, cơm rang cá hồi, cơm thịt kho tiêu (nhà mình thường ăn cơm sáng cho đầy đủ chất và có đổi 5 ngày năm món khác nhau) bữa sáng luôn kèm 1 ly sữa hoặc 1 cốc bột các loại hạt. Và mình có để 1 hộp sữa, 1 cái bánh dinh dưỡng trong cặp để khi con học con có thể ăn.
Mình thường dậy lúc 5h30, mình tập thể dục 30p, 6h là lên nấu đồ ăn sáng cho cả nhà và 6h30 là đồ ăn đã sẵn sàng cho con và cả nhà ăn sáng. Tranh thủ ăn sáng nhà mình nói chuyện, xem thời sự sáng, cùng thảo luận tình hình chính trị, kinh tế trong vào ngoài nước theo thời sự. Các con học được rất nhiều từ việc thảo luận của gia đình như thế này.
Sáng 7h15 – 16h30 các con sẽ có mặt ở trường: Hồi tiểu học thì học bán trú ở lại trường luôn, trường tiểu học của con mình 4h10 đã tan học rồi, lên cấp 2 thì trường con mình có 3 buổi học đến 4h30, có 1 buổi nghỉ trong tuần và có buổi chỉ học đến 3h30 chiều, lịch học ko cố định nên mình thấy giờ chơi của con khá nhiều.
Lên cấp 2 và 3 thì mình cho con tự đạp xe đi học và cũng tự về nhà ăn trưa và ngủ trưa, đồ ăn mẹ đã nấu từ sáng để lại, con chỉ việc hâm nóng lên ăn thôi. 11h45 con tan học, thường thì 12h14 con về đến nhà, ăn trưa đến 12h45 thì con vào ngủ đến 13h30 con từ nhà đi học ca chiều. Việc để con tự đạp xe đi thì con tự lập hơn, ngoài ra việc phải vận động đạp xe ngày 4 lần đi về là coi như tăng cường vận động cho con.
Chiều thường con được nghỉ ở nhà chơi, hoặc khi nào học đến 3h30 hoặc 4h30 thì có câu lạc bộ ở trường như bóng đá, bóng rổ, cầu lông, cờ vua, thì con thích môn nào thì mình đăng ký cho con. Còn thường ở lại chơi đến 18h mới thấy con về nhà. Như vậy mình thấy thời gian chơi của con cũng khá nhiều rồi.
Riêng thứ 4 con được nghỉ buổi chiều ở trường và mình có cho con tham gia hoạt động kỹ năng sống 1 tuần 1 buổi vào chiều thứ 4 này luôn, nên ko hề bị lấn vào buổi tối học của con. Hồi con học tiểu học mình cũng toàn xin nghỉ chiều thứ 4 cho con tham gia hoạt động kỹ năng sống với nhóm học sinh quốc tế của con.
Tối 18h00 đến 19h30: tắm rửa, nghỉ ngơi, ăn cơm tối, tranh thủ giặt máy quần áo và gập rút quần áo, rửa bát, rửa cốc chén, đổ rác.
19h30-21h00: học bài buổi tối:
– Thường thì con học bài trên trường mất 30-45p, mà lên cấp 2 mình thấy bài tập môn nào cũng có nhưng con mình làm bài khá nhanh. Mình dạy con cách tra thông tin trên mạng google nên con mình tìm kiếm các câu trả lời cực kỳ nhanh. Chỉ duy nhất môn toán, lý, hóa, các môn tự nhiên là dạng bài tập phải làm, còn các môn lý thuyết thì đều có câu trả lời tìm kiếm được trên google, làm rất nhanh – đa phần trường mình chọn là trường bình thường nên tiểu học ko có bài tập (BGD ko có bài tập ở tiểu học nên mình có quyền từ chối cho con mình ko làm bài tâp), nếu có chỉ cho đọc bài để tăng phần đọc và làm toán. Lên THCS thì có bài tập của tất cả các môn nhưng mà làm rất nhanh. Nếu ko có bài tập thì thời gian này con bỏ sách tiếng Việt ra đọc 20p, đọc xong thì chơi tiếp.
– Còn lại 45p mình cho con học Acellus (30p) và đọc sách tiếng Anh (15p), hôm nào bài trên lớp nhiều quá thì chỉ cần cho con học Acellus 30p và sách tiếng Anh để lại cuối tuần đọc bù.
– Còn cuối tuần thì mình cho con chơi toàn bộ ngày thứ 7 theo ý con, ko học hành gì, ngày chủ nhật thì mình có cho con học sáng chủ nhật với thầy cô hệ Mỹ, chiều CN đi chơi đá bóng với cường độ cao và tối chủ nhật thì mình sẽ cho con tập trung làm phiếu bài, sách hệ Mỹ vào tối chủ nhật, làm nhiệm vụ thuyết trình, báo cáo sách, làm slide báo cáo sách hoặc báo cáo nghề nghiệp.
– 21h-22h: nghỉ ngơi yên tĩnh trước khi đi ngủ
– 22h: đi ngủ (cấp 2 thì 10h tối các con mình mới đi ngủ nhưng hồi tiểu học thì 9h30 tối các con đã phải lên giường đi ngủ.
2. NGÀY CUỐI TUẦN:
– 1 Tháng 1 lần thì con đi dã ngoại thứ 7 và chủ nhật để rèn kỹ năng đi rừng, hoặc có khi cũng chỉ là đỉ nghỉ ngơi
– Những hôm gia đình đi dã ngoại (1 tháng 1 lần đi dã ngoại thì mình cho nghỉ sáng chủ nhật hệ Mỹ)
– 3 tuần còn lại ko đi dã ngoại thì mình thường cho con tự chơi theo ý con, sang nhà bạn bè thì tối đa cũng chỉ cho đi 1 lần 1 tháng, 2 tuần còn lại của tháng thì con phải ở nhà học đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa với gia đình, cùng bố sửa đồ đạc, hoặc có khi cùng bố làm các hoạt động đóng đồ gỗ, cưa đục, bắt vít, thay đồ điện hỏng.
– Nhạc cụ thì nhà mình chơi như một thú vui, rảnh lúc nào thì tập chứ mình cũng ko bắt con tập chơi cho chuyên nghiệp, bản thân mình cũng tập đàn và 2-3 tháng mình mới tập được 1 bài nhưng mình và các con vẫn túc tắc học.
3. CÁC DỊP NGHỈ LỄ:
– Nghỉ lễ dài nhà mình thường cho các con đi dài ngày ở nước ngoài như đi phượt Nhật, Hàn hoặc kỳ nghỉ ở các khu vực cần đi 3-5 ngày.
– Nghỉ hè 2 tháng thì mình chia ra:
o 1 tháng đi thực tập nghề (tối vẫn về học hệ Mỹ bình thường), hoặc có khi mình cũng cho đi khóa tu hè.
o 1 tháng đi trải nghiệm các nước như trại hè, tham gia học trao đổi học sinh…
4. HỌC NHẬN DIỆN CẢM XÚC VÀ XỬ LÝ CẢM XÚC TIÊU CỰC
– Mỗi ngày mình cùng con dùng 30 cuối ngày, thường là 21h sau khi con đã xong hết nhiệm vụ học tập để cùng con nhìn lại một ngày. Mẹ kể chuyện cho các con nghe 1 ngày ở trường, ở lớp, hồi nhỏ thì mình sẽ đọc sách cho con độ 20p nữa, nhưng lên cấp 2 thì thôi, mình thường sẽ dành để cùng con nói chuyện.
– Qua các câu chuyện thì mình sẽ dạy con cách nhận diện cảm xúc của con qua cách sự việc trong ngày, thông qua các câu chuyện về quá trình đi làm của mình mình kể cho con nghe nhiều về cảm xúc của mình và cách mình ứng phó với cảm xúc tiêu cực qua việc mình ngồi tĩnh tâm, qua cách mình thực tập nói lời ái ngữ, cách mình lắng nghe đồng nghiệp và chia sẻ, thấu cảm với họ cũng như cách để phối hợp ăn ý với đồng nghiệp. Nói chung là mình kể tất tật mọi việc.
– Sau đó minh cũng lắng nghe con mình 10p, bạn ấy cũng chia sẻ tất tật mọi việc và thường mình ko bao giờ khuyên con phải làm gì hay khuyên bảo con phải thế này thế kia, mình chỉ lắng nghe con kể chuyện để giúp con thấu hiểu cảm xúc của chính con. Việc được lắng nghe giúp con giải tỏa được sự tiêu cực dồn nén trong ngày để chuẩn bị đi vào giấc ngủ.
– Nhà minh còn có 1 chú mèo rất đáng yêu để các con ôm ấp, chăm sóc. Nhờ chú mèo đó mà gia đinh cứ gắn kết với những câu chuyện xung quanh chú mèo, những câu chuyện hôm nay mèo làm được gì, cùng cười khi mèo có những trò hề rất vui.
Đây là những cách mình phối hợp để giúp con mình sống trong áp lực, học 2 chương trình không phải dễ dàng nhưng sự phong phú từ những hoạt động trong cuộc sống đã giúp con lấy thêm được cân bằng để tiếp tục đi 2 chương trình đó. Nhất là những hoạt động chia sẻ, lắng nghe, nói chuyện, đi trải nghiệm cùng nhau, cùng nhau làm việc nhà của bố mẹ và con cái đã khiến các con giải tỏa stress và giúp con học trong nhẹ nhàng.
Hy vọng bài viết có nhiều giá trị cho các bố mẹ và giúp bố mẹ phối hợp công việc và dạy con thật hiệu quả.
Lien eth nguyen
English Thinking Club
Nhà BT1-E9,
Khu ĐTM Trung Văn,
Quận Từ Liêm, Hà Nội
ĐT: 0936301636
Hotline: 0914581828
englishandthinkinghome@gmail.com
Chúng tôi giáo dục, đào tạo công dân việt nam có năng lực hội nhập toàn cầu.
Do đó, chúng tôi giúp các bạn trẻ hoàn thiện ngôn ngữ, làm chủ tư duy thông qua hệ thống chương trình giáo dục của mình.