HOMESCHOOL VÀ HƯỚNG NGHIỆP
Khi homeschool hay semi homeschool, gia đình mình thành công bởi 4 chương trình:
Đó là :
– Chương trình Mỹ Acellus và sách vở Mỹ được anh em bạn bè cho để sẵn sàng lộ hình dạy con chuẩn công dân toàn cầu. Qua chương trình này mình dạy con được kỹ năng vua là kỹ năng tự học và kỹ năng tư duy.
– Chương trình giáo dục cảm xúc xã hội, an toàn và sống tỉnh thức mà từ đó mình dạy con một nhân cách sống vững vàng, một lối sống thuận tự nhiên, sống biết hướng vào quan sát nội tâm của bản thân, biết nhìn ra sự thay đổi tâm sinh lý bản thân, biết quan sát ra bên ngoài để hiểu tự nhiên và các quy luật tự nhiên và từ đó có năng lực tự kiểm soát tốt. Qua hệ chương trình này mình dạy con được kỹ năng nữ hoàng là kỹ năng sống hòa hợp.
– Chương trình hướng đạo sinh BSA nơi con mình được rèn luyện thử thác cho bản thân qua những hoạt động cắm trại, gần với tự nhiên, rèn các kỹ năng sống và sinh tồn toàn diện hơn. Chương trình này giúp các con có sự bản lĩnh, tự tin, tự lập.
– Cuối cùng là chương trình giáo dục hướng nghiệp giúp mình hiểu xu hướng nghề nghiệp tương lai, những yêu cầu cho người lao động thế kỷ mới, cách đồng hành, định hướng, giáo dục, rèn kỹ năng phục vụ công việc tương lai. Qua chương trình này các con có thể có một tình yêu lao động.
Lần trước mình đã viết bài về Semi homeschool Acellus rồi và bài Hướng đạo sinh rèn kỹ năng rồi. Giờ mình lại tiếp tục chia sẻ về hành trình hướng nghiệp cho con mình.
Thực tế, homeschool tập trung vào một khía cạnh quan trọng khác chứ không chỉ là một chương trình học đó chính là việc hướng nghiệp cho con. Vì cái đích cuối cùng của việc học theo ý của mình, thì cũng là để khi bước chân ra cuộc đời, con có thể có một công việc yêu thích, thu nhập phù hợp với mong muốn và một gia đình hạnh phúc với những người thân yêu xung quanh mình. Trong quá trình homeschool, nếu cha mẹ làm tốt và đúng cách, thực sự đứa trẻ sẽ ko hề lạc loài so với xã hội, mà sau này sẽ hòa nhập rất tốt với xã hội, và tận dụng được lợi thế của bản thân, của gia đình và xã hội để có được một công việc đáng mơ ước. Việc hướng nghiệp ở homeschool được tiến hành như sau.
1. PHƯƠNG CHÂM CỦA VIỆC HƯỚNG NGHIỆP
Mục tiêu của mình ngay từ đầu ko phải là dạy con tìm được một công việc. Bởi nếu chạy theo công việc thì thật là rủi ro, 4 năm lại có 1 ngành nghề mất đi và có 2 ngành nghề mới được sinh ra. Do đó, nếu định hướng con chọn nghề, thì thật sự là sai lầm, Trước khi con kịp làm nghề thì nghề đã thoái trào mất rồi. Do đó, mình hướng con tới việc con sẽ giải quyết vấn đề gì trong cuộc sống cho con người và thế giới xung quanh.
Thay vì hỏi con thích làm nghề gì, mình từ nhỏ đã luôn cùng con quan sát cuộc sống, và hỏi con, con có thấy vấn đề gì ở đây ko?
Ví dụ, mình thường hay bị thừa cân, do đó, mình thường nói là, mẹ thấy rất nhiều người trong cuộc sống mắc bệnh thừa cân như mẹ. Do đó, mẹ mong muốn có thể tìm ra một cách nào đó để giải quyết vấn đề cân nặng, sức khỏe của mọi người. Thế còn Sóc và Nhím thì các con thấy cần giải quyết vấn đề gì?
Rồi mình thường nói với con: mẹ thấy rất nhiều cha mẹ gặp khó khăn trong việc dạy con, do đó mẹ muốn dùng một cách nào đó để giúp các phụ huynh cung có một hành trình nuôi dạy con hạnh phúc.
Từ chính những vấn đề quan sát được, mình gợi ý cho con các vấn đề cần giải quyết trong cuộc sống. Thay vì việc bảo con học để kiếm việc, và thấy cuộc sống chẳng hề có ý nghĩa, mình hướng con tới việc trở thành người giải quyết vấn đề cho chính mình và cho người khác, Chính sự giải quyết vấn đề này lại sinh ra một công việc, và nếu vấn đề được giải quyết rồi, con lại tìm vấn đề khác để giải quyết. Vì vậy con có thể trở thành người tiên phong, tạo lập ra những ngành nghề mới khi mà các vấn đề con giải quyết được chưa từng được ai giải quyết và tạo ra những thị trường ngách cực kỳ có lợi thế cạnh tranh cho con. Khi vấn đề được giải quyết xong thì cũng là lúc có thể con bước ra giải quyêt một vấn đề mới và hình thành một ngành nghề mới.
Chính phương châm định hướng nghề nghiêp này đã kiến mình dạy con sự linh hoạt trong định hướng nghề nghiệp cho bản thân, sự đi tiên phong cho việc tạo ra các công việc mới, sự cho đi và nghĩ đến việc giải quyết vấn đề cho người khác cũng ra tiền. Biến con trở thành một người lao động mong muốn giải quyết các vấn đề trong tương lai chứ ko chỉ là một người lao động chỉ biết đi làm vì tiền, chịu đau khổ vì công việc đó có tiền nhưng ko hề có ý nghĩa.
Bạn lớn nhà mình rất thích tiền, rất thích kiếm tiền. Mình đã nói với con, con thấy trong cuộc sống có nhiều người khó khăn vì thiếu tiền ko? Bản thân con thiếu tiền thì con có khó khăn ko? Nếu vậy con có thể làm công việc gì cũng được vì con là người đam mê kiếm ra tiền, nhưng hãy nhân rộng ra, biết làm cho người khác cũng có thể giải quyết vấn đề tài chính thì mẹ nghĩ con sẽ có được nhiều tiền hơn đó. Như vậy, từ một đứa trẻ có năng khiếu và thích tiền, mình đã dần thay đổi con trở thành người giải quyết các vấn đề tài chính cho bản thân và cho người khác.
Bạn bé nhà mình thì chậm hơn, chưa xác định được gì, bạn ấy chỉ thích đồ chơi, mình nói với con là: con có nghĩ rất nhiều trẻ em sẽ thiếu đồ chơi và rất thích một món đồ chơi như con mà ko đủ tiền mua đúng ko? Con có nghĩ là con sẽ thiết kế ra một bộ đồ chơi đa năng để các em chơi mãi ko chán ko?
Rồi có lúc bạn ấy lấy 1 cái bút xóa thôi nhưng có thể trang trí cho cái mũ lưỡi trai của bạn ấy cực kỳ đẹp. Mình lại hỏi con: con có nghĩ là con có thể giúp người khác làm đẹp cho những bộ quân áo, khiến người mặc thấy quần áo rất vui mắt và khi mặc thì rất vui vẻ ko?
2. CÁC GIAI ĐOẠN CỦA HƯỚNG NGHIỆP VÀ HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ CỦA PHHS
2.1. GIAI ĐOẠN TIỂU HỌC
Đây là giai đoạn hình thành khám phá về thế giới. Do đó, các PHHS nên cho con thử càng nhiều hoạt động năng khiếu, kỹ năng, thể thao, các việc gia đình, đi dã ngoại, cắm trại càng nhiều càng tốt để con có cái nhìn về thế giới. Đặc biệt đi đến các vùng đất khác nhau hãy cùng con tìm hiểu về nghề đặc trưng của khu vực đó: như làng nón Chuông Hà Tây, nghề tranh Đông Hồ, khu phố cổ có tập hợp thành các của hàng với các ngành dịch vụ khác nhau… Nếu có điều kiện đi ra nước ngoài, hãy cùng con thảo luận đất nước đó mạnh nhất về ngành nghề lĩnh vực gì?
Nếu mua sách, hãy mua sách vĩ nhân để các con đọc và hình thành sự đam mê với nghề nghiệp, trên thị trường cũng có một số bộ sách về nghề nghiệp.
Giai đoạn này là giai đoạn tham gia vào các hoạt động và sự kiện chứ vai trò tổ chức chưa rõ ràng.
Giai đoạn này nếu ko trải nghiệm nhiều thì không thể hình thành kỹ năng, sức khỏe và thế giới quan để chuẩn bị cho giai đoạn sau. Do đó, việc ở tiểu học chỉ cho học, chỉ cho ở nhà với 4 bức tường, ko thể thao, ko trải nghiệm, không ngoại khóa, không làm việc nhà thì là làm sai quy luật phát triển của trẻ.
Đó cũng là lý do tại sao ở các trường tiểu học Nhật hay nhiều nước trên thế giới thì Tiểu học sẽ không chấm điểm, không gây áp lực học hành. Và BGD VN đã cấm ko cho bài tập về nhà với các trường tiểu học học 2 buổi/ ngày, cũng là lí do tại sao lại chỉ có 1 bài thi cuối kỳ ở lớp 1-2-3, và có 2 bài kiểm tra giữa kỳ và 2 bài thi cuối kỳ của lớp 4 và 5. Đó là vì ko muốn tạo áp lực, để trẻ được phát triển đúng với tâm lý và lứa tuổi.
Ngoài ra ở giai đoạn này cần có những khen ngợi với những gì trẻ làm tốt và trao đổi thẳng thắng về những điểm yếu cần cải thiện và những điều con làm chưa tốt. Đừng tránh những nhìn nhận thẳng về nhược điểm và những điều con làm chưa tốt. Việc cung cấp cho con những nhận xét khách quan về con giúp con hình thành sự hiểu về bản thân mình và hình ảnh mình trong mắt người khác sau này.
Các trường nào tây tây 1 tý thì sẽ có mời các phụ huynh làm các ngành nghề khác nhau đến chia sẻ với học sinh của các lớp, các khối về nghề mình đang làm ở cấp tiểu học. Như ở CT Mỹ thì sau mỗi 1 nội dung kiến thức sẽ có 1 nghề gắn với kiến thức, kỹ năng đã học. Ví dụ học về khí hâu thời tiết trong môn khoa học thì các con học về nhà khí tượng thủy văn, người chuyên dự báo thời tiết. Những tìm hiểu nghề nghiệp này được tích hợp luôn trong nội dung dạy tiểu học Mỹ rồi.
2.2. GIAI ĐOẠN THCS
Sau khi đã được trải nghiệm nhiều lớp học kỹ năng, nhiều hoạt động ngoại khóa, đi nhiều nơi, biết các lĩnh vực nghề nghiệp qua những giới thiệu từ phụ huynh, từ các bài học ở trường thì học sinh cấp 2 bắt đầu hình thành 1 số hứng thú với 1 số kỹ năng và lĩnh vực cụ thể.
Ví dụ có bạn sẽ thể hiện rõ là rất giỏi và thích học toán, có bạn lại có năng khiếu viết và ngoại ngữ, có bạn lại thích đàn hát, có bạn thích lập trình, có bạn lại thích vẽ. Lúc này học sinh sẽ chọn từ 3-5 môn học yêu thích để tập trung học thật tốt. Có bạn lại ko hề có năng khiếu với việc học ở trường nhưng lại phát lộ 1 số năng khiếu ngoài trường học: Ví dụ như nhiều bạn thích làm bánh, thích cắt may, thích làm đồ handmade. Nếu các bạn ấy thực sự biểu hiện có năng khiếu thì đó là may mắn cho các bố mẹ, phát lộ sớm bồi dưỡng sớm sẽ khiến con giỏi hơn mặt bằng chung.
Con cũng không cần đi lại và trải nghiệm nhiều mà lúc này mỗi năm chỉ cần đi thăm 1-2 nơi nhưng đi là có tìm hiểu, nghiên cứu rõ ràng, và trong các sự kiện và hoạt động hãy để con là người tổ chức hoạt động.
Bố mẹ có thể đưa con đến quan sát nơi mình làm việc, tìm hiểu để trình bày về 1 tuần làm việc của bố mẹ. Cứ 1 tháng con phải tìm hiểu và viết 1 báo cáo hoặc trình bày miệng về 1 nghề nghiệp thông qua internet, tivi, sách báo. Sau đó, từ những nghề con đã tìm hiểu, hỏi xem con thích tìm hiểu chuyên sâu về nghề gì thì 1 năm nên liên hệ cho con được gặp người làm nghề đó, hoặc tốt nhất nên cho con đến quan sát nơi làm việc của người đó để con tìm hiểu về nghề.
Đến năm con lớp 8-9 có thể cho con đi làm thêm tại các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng để hiểu hơn về giá trị lao động, và để hiểu là khi không học hành đoàng hoàng thì các công việc mà con phải làm sẽ vất vả ra sao.
2.3. GIAI ĐOẠN THPT
Trong giai đoạn này có 3 nội dung cần thiết để các con làm:
– Học các khóa học về hướng nghiệp. Trong các khóa hướng nghiệp bài bản thì có các nội dung sau:
o Tìm hiểu về bản thân: thông qua các công cụ test nghề nghiệp, test cá tính, test sở thích kỹ năng thì các con sẽ hiểu được bản thân có ưu nhược điểm gì, giỏi kỹ năng gì, thích và ko thích gì để từ đó hiểu rằng bản thân mình phù hợp với ngành nghề gì.
o Học cách lập kế hoạch nghề nghiệp và thực hiện kế hoạch đó
Biết tìm kiếm thông tin về nghề nghiệp, về thị trường lao động, về thị trường đào tạo nghề đó.
Biết lên kế hoạch nghề nghiệp cho những năm cấp 3 và đại học
Biết viết CV, phỏng vấn nghề nghiệp để chuẩn bị cho công tác thực tập.
Biết tìm người trợ giúp khi cần và đánh giá điều chỉnh hành động liên quan đến kế hoạch nghề nghiệp
– Thi thực tập mùa hè ít nhất 2 tháng cho 1 vị trí công việc cụ thể mà mình muốn học sau này:
o Con đến làm việc như một người lao động dưới sự hướng dẫn của 1 nhân viên công ty.
o Con cần ghi lại báo cáo làm việc hàng ngày và thảo luận với bố mẹ về công việc đó.
o Trong 3 năm có thể thực tập ở 3 nghề hoặc nếu đã xác định thích nghề nào chỉ cần thực tập 1 nghề
– Làm các công tác thiện nguyện như tạo quỹ cho một trại trẻ mồ côi, chăm sóc người già ở viện dưỡng lão, nấu cơm từ thiện viện K, làm thuốc ở các chùa thuốc nam….
– Tham gia tổ chức các sự kiện ở trường để hoàn thiện kỹ năng tổ chức.
2.4. VÀ KẾT QUẢ HƯỚNG NGHIỆP ĐÚNG CÁCH CỦA NHÀ MÌNH
Như nhà mình: lớp 6 lên lớp 7 con vào khách sạn của họ hàng ở Nha Trang làm lễ tân 1 tháng hè, lớp 7 con đi tới 1 văn phòng luật của bố bạn học cùng lớp để quan sát vì con nói con thích làm luật sư, lớp 8 con nói con thích làm về thể thao mình cho đi tập bóng và tìm hiểu hỏi các anh huấn luyện viên cơ hội thăng tiến của ngành nghề, lớp 9 con thích làm nghề tâm lý mình có cho gặp cán bộ tâm lý của trường để tìm hiểu và mua sách tâm lý về đọc. Cuối năm lớp 9 lên 10 con lại nói thích làm lĩnh vực sức khỏe, mình cho đi tập PT và mua sách về dinh dưỡng cho đọc, khuyến khích con tự nấu ăn nhưng tiếc là con cũng thấy đó ko phải là thứ con làm được.
Sau một hồi lăn lộn, hết học kỳ 1 lớp 10 con tha thiết xin đi học truyền thông đa phương tiện và giờ con là sinh viên nhỏ tuổi nhất của trường cao đẳng Arena.
Đến giờ con chưa chán và ngày một đam mê việc học ở Arena và con cũng đã tự vào các nhóm cựu sinh viên trường, các nhóm làm nghề designer và digital marketing để giao lưu và học hỏi. Trong lớp con có 25 anh chị đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, người lớn nhất hơn con 12 tuổi đang làm truyền thông cho 1 công ty bất động sản, 1 số anh chị đang kinh doanh muốn học để đẩy sản phẩm của mình. Con cũng tự mình tham gia các nhóm truyền thông quốc tế để chuẩn bị nhận việc. Thế giới rộng mở, quan hệ của con cũng nhiều, con trở nên yêu đời, yêu cuộc sống, thích lao động.
Đến giờ con lớp 10 nhưng đã phần nào định hình khá rõ ngành nghề muốn học, tương lai nghề nghiệp, mức thu nhập tương lai của thị trường. Nhưng nghề truyền thông chỉ là 1 phần trong cuộc đời, con muốn học thêm về kinh doanh để có thể hình thành một công ty và kinh doanh. Từ nhỏ, ko có cái gì là con ko bán được, nhờ sự ủng hộ và động viên của bố mẹ, con đã bán tranh tô màu bán đồ ăn vặt, bán đồ ăn vặt năm lớp 2, lớp 3 con biết bày sạp bán truyện cũ của mình, lớp 4 -5 con biết nhờ bác đặt đồ chơi ở Mỹ về bán cho các bạn, lớp 7-8 con biết đặt giày, thu mua đồ hiệu cũ để bán, lớp 9 con biết thuê bạn lập nhóm lập trình game để bán.
Lớp 10, con đã biết vào 1 nhóm đầu tư tài sản số và đã bỏ 4tr tiền kiếm được từ kinh doanh nhỏ lẻ những năm trước để đầu tư chờ tăng giá. Những nhân vật con follow là những tỷ phú Mỹ và nhờ mẹ đặt những quyển sách về kinh tế, đầu tư mà các ông ấy giới thiệu.
Giờ con đã tự tìm hiểu trường, nước sẽ đi và tự ra các quyết định nghề nghiệp cũng như biết phải tự chuẩn bị tài chính cho việc học tiếp ngành Business vì bố mẹ chỉ đủ chi phí cho học hết ngành Truyền thông.
Homeschool chính là từng bước đưa con vào cuộc sống, lấy cuộc sống là trường học lớn cho con để con sẵn sàng cho một tương lai tốt đẹp.
P/s: Tham khảo:
Trang hướng nghiệp Nam Úc mà mình đang lấy tài liệu dạy cho con trai bé lớp 7
https://myfuture.edu.au/
Tìm các khóa hướng nghiệp cho con con ở:
https://www.facebook.com/huongnghiepsongan
Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp ngoài Bắc: https://www.facebook.com/hanglevn
Lien eth nguyen
English Thinking Club
Nhà BT1-E9,
Khu ĐTM Trung Văn,
Quận Từ Liêm, Hà Nội
ĐT: 0936301636
Hotline: 0914581828
englishandthinkinghome@gmail.com
Chúng tôi giáo dục, đào tạo công dân việt nam có năng lực hội nhập toàn cầu.
Do đó, chúng tôi giúp các bạn trẻ hoàn thiện ngôn ngữ, làm chủ tư duy thông qua hệ thống chương trình giáo dục của mình.