#lotrinhnuoidaycon
LỘ TRÌNH NUÔI DẠY CON NHƯ THẾ NÀO ĐỂ CON TỰ LẬP?
Sau bài về dạy tiếng Anh và chọn trường cho con vào lớp 1 thì một số mẹ hỏi là : làm thế nào để con chịu học, hay là định hướng nuôi một đứa trẻ nên như thế nào là đúng? Mình viết lại bằng trải nghiệm của một bà mẹ: có kinh nghiệm làm quản lý thực tế, có khởi nghiệp, và nuôi con được 15 năm để viết lại đâu là điều tốt nhất cho con để mà tự xây dựng một chương trình giáo dục cho con. Chương trình ấy ko phụ thuộc nhiều vào nhà trường, thầy cô hay xã hội mà dựa trên nền tảng giáo dục gia đình là chính.
Vậy mình đã định ra mục tiêu, xây dựng nội dung giáo dục cho con ở từng giai đoạn và triển khai như thế nào? Mình kể lại ở đây để các bạn tham khảo và tự lên một lộ trình dạy chính con mình.
Với mình dạy con là để dạy con 3 thứ: sự bản lĩnh, tình yêu thương và sự tự lập (tự học và tự sáng tạo ra giải pháp)
Mục tiêu lớn nhất của mình chỉ có 3 tiêu chí đó. Và với mình, một người có đủ 3 tổ chất đó chắc chắn hạnh phúc và sống được ở đời.
Du học chỉ là một trạm dừng chân, tiện đường thì tạt qua, nếu ko tiện đường thì bỏ qua ko cần thiết. Đó là sự thực. Đi du học ko phải là một công cụ biến con từ kém tư duy, kém kỹ năng, kém tình người thành giỏi tư duy, giỏi kỹ năng, giỏi tình người hay giỏi giao tiếp ứng xử. Số tiền cho con đi du học đó, thà mình cho con đi trải nghiệm thật nhiều nơi, quan sát cuộc sống, ngắm nhìn cuộc sống và từ đó con mở mang được tư duy, kỹ năng và tình yêu thương cuộc sống thì tốt hơn bỏ ra từ 3-7 tỷ để cho con học xong tấm bằng đại học. Mà nếu đã bỏ bẵng con 18 năm ko dạy kỹ rồi nghĩ đưa con ra nước ngoài để con thay đổi, thì các mẹ nhầm to. Giáo dục tây ko phải là cây gậy thần làm biến đổi con người như vậy. GD tây chỉ là cái bàn đạp cất cánh nếu con đã có đủ kỹ năng để thành công dân toàn cầu. Và kỹ năng đó, chúng ta phải rèn đủ cho con 18 năm trước khi con đi cơ. Chính vì với các nghĩ đó, mình chưa có mục tiêu hay chủ đích là con phải đi du học được. Tất cả nhưng gì mình dạy con con, chỉ để nhắm tới 3 tiêu chí sự bản lĩnh, tình yêu thương và sự tự lập (tự học và tự sáng tạo ra giải pháp).
Nhà mình ko có tivi truyền hình cáp nhé các mẹ, chỉ có duy nhất các kênh youtube thôi. HỒi con từ 2-7 tuổi là nhà mình ko có tivi và ko có cả you tube, con chỉ xem khi có mẹ ở nhà và được chỉ định một số loại chương trình được xem thôi.
Mình chia việc dạy con ra 4 giai đoạn từ khi mới sinh cho đến khi đủ 18 tuổi, sau 18 tuổi mục tiêu của mình là con có thể tự lập.
1. Giai đoạn 1: 0-5 tuổi: đây là giai đoạn đầu đời của con, và mục tiêu của mình là rèn luyện sự tập trung, sự phối hợp, sức khỏe, sự tự lập.
– Mình rất chịu khó đọc sách và kể chuyện cho con khi con còn nhỏ. Mỗi ngày mình đều mang sách ra đọc hoặc kể cho con nghe.
– Con sinh ra đến 3 tuổi là được mẹ cho ngủ riêng, Hai anh em ngủ chung 1 phòng
– Mình cũng huấn luyện các bạn ấy tự ăn uống từ khi 2-3 tuổi
– 5 Tuổi mình dạy tự vệ sinh đánh răng, rửa mặt,tự tắm, tự thay đồ và bắt đầu con bị sai vặt nhiều như đi lấy đồ, đi cất đồ cho mẹ.
– 4 tuổi mình bắt đầu cho các bạn ấy tập ngồi bàn để tập ngồi chơi tĩnh, mình cùng con chơi các sách rèn luyện IQ (mình cho con làm nhiều lắm luôn, nó có rất nhiều ở ngoài tiệm sách các loại và phân độ tuổi đoàng hoàng, tha hồ cho các mẹ chọn), đồng thời khi con 4 tuổi mình cũng bắt đầu dạy con tiếng anh. Lộ trình cho con học tiếng ANh như thế nào để lên đến lớp 6 các con ở trình độ B1 tiếng Anh thì các mẹ xem link bên dưới, mình còn để full cả tài liệu.
– Tầm 4,5 tuổi mình bắt đầu dạy con học đàn.
– Ngày nào mình cũng cho con xuống sân khu chung cư chơi, cho con chơi với các bạn, cuối tuần nào cũng đưa con đi dã ngoại cho con chạy nhảy, tập đi xe đạp, chơi thể thao.
– Thời gian ngoài 9 tiếng đi làm thì mình dành cả buổi tối từ 5h đến 10h tối, tất cả các cuối tuần, ngày nghỉ lễ là cho các con.
– Mình tha lôi con đi khắp mọi nơi, hết lớp học năng khiếu, lại dã ngoại, miễn con được chơi, được cười, được tự lập là mình thấy vui rồi. Mình rất chịu khó để con làm mấy trò nguy hiểm như leo trèo, nghịch đất nghịch cát, bầy bừa nhà cửa làm lều, nghịch nước. Mình động viên con hết sức trong những thử nghiệm mới đồng thời rèn con ngồi bàn và chơi tại bàn rất nhiều (mình ko dạy trước kiến thức đi học, cả 2 bạn nhà mình vào lớp 1 đều chưa biết đọc biết viết gì cả, chỉ biết tính toán thì có do mình hay chơi cùng con với các con số).
2. Giai đoạn 2: 6-11 tuổi: Giai đoạn tập trung vào rèn nếp tự học, dạy con thêm tìm kiếm thông tin trên internet, một số kỹ năng tin học cơ bản, tập thuyết trình, dạy con tự đặt câu hỏi và tìm câu trả lời, dạy con việc nhà, nấu ăn, dạy con biết nhận diện cảm xúc và xử lý cảm xúc của bản thân, tự vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày và đưa ra giải pháp. Để làm được việc này mình dạy con như thế này:
– Lớp 1-3: hình thành nếp tự học, buổi tối biết tự ngồi bàn và làm bài, mỗi ngày đều học tiếng Anh 30-45 phút sau khi đã làm xong bài tập trên lớp theo bài viết bên dưới. Giai đoạn tiểu học này mình rất tập trung vào rèn kỹ năng tiếng Anh cho các con
– Lớp 1 bắt đầu phụ trách đổ rác, rửa cốc chén, lớp 2 học rửa bát, quét nhà, lau nhà, gập rút quần áo, lớp 3 cắm cơm, lớp 4 nấu 1-2 món cơ bản như rán trứng, nấu mỳ, làm các món rang như thịt rang, làm các đồ ăn nhẹ như bánh mỳ kẹp trứng. Lớp 5 học giặt quần áo bằng tay, cọ rửa nhà vệ sinh. Mà đã làm được gì là mình giao luôn cho phụ trách việc đó chứ mình ko kiểu khi làm khi không. (trừ nấu ăn thì cu bé có anh lớn nấu nên anh chàng bé lười ko chịu nấu)
– Đọc sách ở giai đoạn này nhiều hơn giai đoạn trước rất nhiều, và đều yêu cầu con kể lại cho mình nghe những câu chuyện đó, mỗi ngày con đọc sách từ 20-30 phút (sách chữ theo yêu cầu), còn các sách khác thì con đọc tự do theo nhu cầu giải trí của bản thân. Từ sách kỹ năng, sách về tiền tệ, sách về chi tiêu, tiền tệ, sách văn học. Ti tỷ thứ có thể cho con đọc. Đọc xong con nhớ phải viết báo cáo sách hoặc tóm tắt lại xem là con học được gì từ quyển sách đó.
– Mình cũng dạy con các loại cảm xúc và dạy con cách nói ra những cảm xúc đang có của con, dạy con cách ngồi tĩnh tâm hít thở lấy lại bình tĩnh khi bị những cảm xúc tiêu cực xâm chiếm. Với mình việc chỉ ra cho con thấy cảm xúc của chính mình để từ đó con nhận diện ra cảm xúc của bản thân để có chiến lược đối phó với từng cảm xúc là rất quan trọng ở giai đoạn này.
– Về kỹ năng tin học và thuyết trình (hai cái này gắn với nhau): lớp 1-2 mình cho con học gõ 10 ngón bằng phần mềm mario typing, sau đó lớp 3 mình dạy con tra từ điển, lớp 4 dạy tìm kiếm thông tin google để trả lời các câu hỏi của con, dạy con cách viết câu trả lời trên word, lớp 5 bắt đầu tìm kiếm thông tin về một nội dung mẹ yêu cầu, biết viết bài và thuyết trình về một vấn đề bằng Powerpoint.
– Mình hay lọ mọ cho các con làm đồ handmade như oto, máy bay, con lắc….. nói chung đây là giai đoạn rèn cho đôi tay thật là khéo léo để chuẩn bị cho một quá trình lớn hơn.
– Bắt đầu cho tiền vặt vặt độ 5-10 k 1 ngày để chủ động học quản lý tài chính cá nhân.
– Mùa hè với mình là một mùa tuyệt vời vì mình luôn có 1 tháng hoặc 2 tháng để tổ chức trại hè Tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, kỹ năng, dã ngoại cho các con. Với mình, sau 1 năm con học tập tiếng Anh thì đến mùa hè là mùa bơm kích cho tiếng Anh nói được bật ra tốt hơn thông qua việc cả ngày làm việc giao tiếp tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Đến nay mình đã làm được 7 mùa trại hè cho các con.
– Về thể thao thì lớp 3 mình bắt dầu cho con đi tập bóng rổ, ở trường con đá bóng suốt từ lâu rồi. Sinh tồn thì các bạn có thể cho con vào hội Hướng đạo sinh sinh nhật chủ nhật hàng tuần để có thể học kỹ năng sinh tồn. Ở Hà nội có HỒ Tiên Thủy là có đang làm leader cho 1 hoạt động hướng đạo sinh. Con mình thì nhờ may mắn nên được tham dự hội hướng đạo sinh của đại sứ quan Mỹ, chắc con sẽ sinh hoạt liên tục đến năm 21 tuổi, hết tuổi hướng đạo mới thôi.
3. Giai đoạn 3: 12-15 tuổi: Giai đoạn hình thành khái niệm nghề nghiệp, học tập trung các môn học có năng khiếu, tham gia tổ chức các chuyến dã ngoại – tập là người tổ chức và chịu trách nhiệm, bắt đầu hòa nhập vào với bạn bè quốc tế hoặc tham gia các trại hè quốc tế, các chương trình giao lưu trao đổi du học sinh, Tham gia một số hoạt động quốc tế về bảo vệ môi trường, một số cuộc thi trong nước và ngoài nước mang tính chất giao lưu có chút cạnh tranh. Nếu có thể thì nên cho học các chươn trình online quốc tế. Tự phụ trách việc nhà, có tiền tiêu vặt nhiều nhiều chút để phục vụ mua sắm cá nhân, phải học về tuổi dậy thì nhiều hơn, chơi thể thao thật nhiều để cân bằng lại cảm xúc bức bối do hooc môn ở tuổi dậy thì gây nên, học thêm về sức khỏe vị thành niên, các kỹ thuật quản lý thời gian và kỹ thuật học tập. Đọc cách sách lớn có tính chiến lược về những con người vĩ đại như Elon musk, Richard Branson, Bill Gate, Hành trình phương đông, sách của các anh chị đã từng đi du học viết về cuộc sống du học (mỗi năm đọc độ 1-2 quyển này)….
– Giai đoạn này học tiếng Anh ở trình độ cao rồi, tầm B1, do đó các bạn ấy sẽ cần học tiếng Anh học thuật thông qua các môn học, có thể chọn qua một số kênh Như Brain pop, Acellus hoặc pre IETLS. May là mình cứ đi đến đâu là được hỗ trợ đến đó, thầy dạy Tiếng Anh học thuật cho Vũ Hà rất giỏi và bạn lớn nhà mình cực kỳ thích học thầy. Sách mình cũng mua những quyển sách tiếng anh chữ từ 200-400 trang cho bạn ấy đọc. Mình đưa bạn ấy tới Fahasha và cho bạn ấy chọn những quyển sách tiếng Anh mà bạn ấy thích.
– Mình bắt đầu yêu cầu bạn ấy viết bằng Tiếng anh các chủ đề về giới tính, bệnh, nghề nghiệp (xem tài liệu youtube hoặc tài liệu từ các trang tiếng Anh để lấy thông tin). Bạn ấy tập tìm kiếm thông tin đọc hiểu rồi viết lại. Mới đầu viết vài dòng, sau tăng lên nửa trang A4 rồi đến lớp 7 là viết được 1 trang A4 bằng tiếng Anh. Mình nhờ thầy chấm luôn bài viết đó cho con. Đi đâu, chuẩn bị đến đâu mình đều yêu cầu con lên google search thông tin và nói lại cho mẹ. Mình bắt đầu rút dần khỏi vai trò là người dạy mà ở vai là người giao việc và kiểm soát nhiều hơn.
– Về việc nhà thì cơm nước các ngày nghỉ là do bạn ấy tự đi chợ tự nấu, ngày đi học thì mẹ hoặc bà nấu, đến chiều ngày thường bạn ấy về muộn thì con ko cần nấu nhưng ăn xong là 1 bạn rửa bát, đổ rác, 1 bạn giặt quần áo và phơi quần áo.
– Mình có giao thêm bài ngoài bài trên lớp để con học cách tự học, tìm cách bài giảng trên mạng và làm bài theo hướng dẫn.
– Các cuộc thi như liên hoan nghệ thuật châu á Thái bình dương, thi tranh biện, thi học sinh giỏi tiếng Anh… mình cũng cho con đi thi nhưng ko tạo áp lực, vào được đến vòng nào thì vào. Mỗi một cuộc thi là một trải nghiệm rất thú vị của con. Về các cuộc thi nước ngoài các mẹ hỏi cô Hoài (nick Sandy Nguyen) bạn ấy hay tổ chức cho các con đi thi mấy cuộc thi quốc tế khu vực đông nam á.
– Về sinh tồn thì mình bắt đầu tổ chức các chuyên đi trong và ngoài nước mà do các bạn ấy tự lên chương trình và tự lo liệu cho cả nhà, mình chỉ đi theo để hỗ trợ. Việc đi lại hàng ngày cũng là con tự lo liệu: đi bộ, đi xe đạp, tự đi xe bus, tự bắt grab, bắt xem ôm hay taxi đi lại là chính chứ mình ít khi đưa đón con ở độ tuổi này.
– Chủ động cho con tổ chức tiệc sinh nhật, cho con được đi sang nhà bạn chơi, giao lưu với các bạn nhiều để biết cách duy trì và phát triển các mối quan hệ.
– Các mùa hè năm lớp 8 và lớp 9 mình có kế hoạch bắt đầu xin cho đi bán hàng ở siêu thị, nhà có người quen có cái khách sạn ở vùng biển nên mình cũng gửi vào đó cho làm lễ tân (anh chàng biết tiếng Anh). Đi theo đoàn thanh niên Phật tử như làng mai Thái, Pháp, Séc, Đức cũng nằm trong ý định của mình cho các con, tìm hiểu về đạo học nguyên thủy cũng là điều mình nghĩ cần giới thiệu cho con sâu hơn ở thời điểm này.
4. Giai đoạn 3: 16-18 tuổi: Giai đoạn tìm hiểu kỹ về cá tính, đặc điểm bản thân, lựa chọn nghề nghiệp, quyết tâm theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp thông qua việc học tập có chọn lọc các môn học. Lựa chọn trường đại học tương ứng trong hoặc ngoài nước theo điều kiện tài chính của gia đình. Giai đoạn này đặc biệt quan trọng để làm các việc thiện nguyện hoặc có ích cho xã hội (đến thăm viện dưỡng lão thường xuyên, tham gia vào tổ chức trại hè tình nguyện, làm được gì thì nên làm thường xuyên).
Con mình thì chưa đến giai đoạn này, nên chi tiết là làm gì mình chưa tính, nhưng đi du lịch trải nghiệm ở giai đoạn này chắc sẽ dừng lại cho các hoạt động xã hội. Ngoài ra ở độ tuổi này, con quyết đâu bố mẹ nghe theo đó nên chắc mình cũng ko can thiệp nhiều vào quá trình con quyết định học gì và làm gì. Điều duy nhất mình làm là đào tạo con một khóa học về hướng nghiệp và chuẩn bị kỹ năng vào đại học (nghề của mình) để con có đủ kỹ năng hiểu chính mình và tự hướng nghiệp cho bản thân.
Mình cũng quan sát rất nhiều các bố mẹ nước ngoài mà mình quen biết, nhất là các bố mẹ trong nhóm Hướng đạo sinh của con thứ 2. Mình cũng thấy dù Tây hay Ta thì đều có 2 kiểu bố mẹ:
– Những người quan tâm và hỗ trợ đồng hành với con
– Nhưng người để con cho nhà trường và xã hội
Ừ thì giáo dục ở Tây có tốt hơn ở ta, nhưng phụ huynh cũng ko hề ít trách nhiệm hơn phụ huynh việt trong việc giáo dục con cái, Những người quan tâm tới con, họ cũng họ cũng giáo dục con đúng như một chương trình thế này và cũng hoàn toàn ko hề đổ trách nhiệm cho ai, thậm chí các bố mẹ Tây trong nhóm Hướng đạo sinh của con mình họ vô cùng quan tâm tới việc giáo dục con các kỹ năng sống, và chính chúng mình, những phụ huynh phải đọc tài liệu (sách được phát cho các con từ đầu hàng năm) và bố mẹ về dạy cho con để trong những buổi sinh hoạt con sẽ thể hiện kết quả bố mẹ dạy con ra sao, rồi tụi mình phải tổ chức các buổi picnic cho các con, các buổi sinh hoạt của nhóm hay của cả đội.
Từ khi làm việc với bố mẹ Tây,mình mới biết, hoá ra họ dạy con nhiều và khoa học hơn bố mẹ ta,và họ khác chúng ta là họ giỏi, khiến thức rộng, họ có sẵn nền tảng nên họ chỉ cần sách, tài liệu để cập nhật kiến thức hợp thời đại nhằm dạy con rất dễ dàng. Và họ hiểu, họ dám bình thường hoá việc học ở trường. Còn chúng ta,bố mẹ việt ko dám coi nhẹ quá trình học ở trường và đẩy vai trò dạy con của chúng ta quan trọng lên. Nếu chúng ta ko thay đổi cách dạy con phù hợp với thời thời đại,nỗ lực hơn bố mẹ tây vài lần thì con chúng ta rất khó có cơ hội cạnh tranh với các bạn nước ngoài trong cuộc cách mạng 4.0.
Chính vì tự dạy con rất nhiều thứ như vậy nên với mình chương trình học tập ở trường nào chỉ là một thử thách hòa nhập cho con vậy thôi, tùy theo tài chính gia đình, độ thuân tiện của việc đưa đón, mức độ muốn con sướng đến đâu, mức độ quen biết giáo viên đến đâu thì chọn trường đến đó. Con học tập khó đến đâu thì chúng ta tiếp cận các giáo viên hỗ trợ con đến đấy, một người cha/mẹ khiêm hạ, biết quan tâm tới con, thường xuyên liên hệ với giáo viên, tôn trọng giáo viên nhưng cũng có trí tuệ thì ở trường ở lớp cũng ít khi con phải chịu thiệt thòi lắm các mẹ ah (dù là trường công hay trường tư).
Chúc các bố mẹ chọn được hướng đi tốt cho việc giáo dục con và tự tin đi trên con đường của mình.’
Liên eth nguyen
Lộ trình dạy con tiếng Anh với full tài liệu của mình ở comment
https://docs.google.com/
English Thinking Club
Nhà BT1-E9,
Khu ĐTM Trung Văn,
Quận Từ Liêm, Hà Nội
ĐT: 0936301636
Hotline: 0914581828
englishandthinkinghome@gmail.com
Chúng tôi giáo dục, đào tạo công dân việt nam có năng lực hội nhập toàn cầu.
Do đó, chúng tôi giúp các bạn trẻ hoàn thiện ngôn ngữ, làm chủ tư duy thông qua hệ thống chương trình giáo dục của mình.